Latest Post

Toán tư duy - Bài toán bao nhiêu cái bắt tay

Trong buổi họp có 10 giáo viên, 

- người thứ nhất chỉ bắt tay với 1 người
- người thứ hai chỉ bắt tay với 2 người, 
- người thứ ba chỉ bắt tay với 3 người, 
- ...
- người thứ chín bắt tay với 9 người, 

Hỏi người thứ mười bắt tay với mấy người ?

Làm được bài toán và học được bài toán, điều gì quan trong hơn ?

 Toán tư duy - Bài toán tính tuổi 3 người con

Đề bài:
Một người mẹ muốn thử tài gia sư cho con mình, trong lần gặp đầu tiên đã ra câu đố như sau:
 - Người mẹ: Chị hiện có 3 người con, tích số tuổi của chúng là 36, em có thể biết mỗi đứa con của chị bao nhiêu tuổi không ?
- Gia sư: chưa được, chị có thể cho em thêm thông tin không ?
- Người mẹ: Tổng số tuổi của chúng giống với ngày sinh của em trong hồ sơ hôm trước em gởi cho chị.
- Gia sư: vẫn chưa được, thêm 1 gợi ý đi chị
- Người mẹ: Em sẽ dạy đứa lớn tuổi nhất, nó đang chơi đá bóng với bạn.
- Gia sư: Em đã biết chính xác tuổi của từng bé.
Bạn có biết tuổi của mỗi bé không ?

Toán tiểu học - Toán chuyển động trên dòng nước

Phương pháp giải toán lớp 5 chuyển động trên dòng nước:

Trên con sông, dòng chảy đứng yên, một con thuyền chạy vận tốc v thuyền .

Trên con sông có dòng nước chảy với vận tốc v0.
khi thuyền xuôi dòng thì vận tốc xuôi dòng: v(xd) = v thuyền + v dòng nước .
khi thuyền ngược dòng thì vận tốc ngược dòng: v(nd) = v thuyền – v dòng nước .

Bài toán 1:

Trên một con sông, bến A cách bến B là 36 km. khi dòng nước đứng yên, một canô đi từ bến A đến bến B trong 1 giờ 48 phút.
a) tìm vận tốc của canô lúc dòng nước đứng yên ?
b) khi vận tốc dòng nước là 3 km/h. Hỏi thời gian ngược dòng nhiều hơn thời gian xuôi dòng bao nhiêu ?
Giải:
 a)
Đổi đơn vị : 1 giờ 48 phút = 9/5 giờ.
Vận tốc của canô là :
36 : 9/5 = 20 km/h.
b)
Thời gian xuôi dòng của canô là :
36 : (20 + 3) = 1 giờ 34 phút.
Thời gian ngược dòng của canô là :
36 : (20 – 3) = 2 giờ 7 phút.
Thời gian ngược dòng nhiều hơn thời gian xuôi dòng :
2 giờ 7 phút – 1 giờ 34 phút = 33 phút.

Bài toán 2:

Trên một con sông, bến A cách bến B là 24 km. Một ca nô xuất phát từ bến A lúc 7 giờ 30 phút, xuôi dòng đến bến B lúc 8 giờ 6 phút. nghĩ tại bến B 15 phút, sau đó quay về đến bến A lúc 9 giờ 9 phút.
a) Tính vận tốc xuôi dòng và vận tốc ngược dòng của ca nô.
b) Một bè gỗ được thả trôi theo dòng nước. Hỏi bè gỗ trôi trong bao lâu từ bến A đến bến B ?
Giải:
a)
Thời gian xuôi dòng của canô là :
8 giờ 6 phút – 7 giờ 30 phút = 36 phút = 3/5 giờ.
Vận tốc xuôi dòng của ca nô là :
24 : 3/5 = 40 km/h.
Thời gian ngược dòng của canô là :
9 giờ 9 phút – 8 giờ 6 phút – 15 phút = 48 phút = 4/5 giờ.
vận tốc ngược dòng của ca nô là :
24 : 4/5 = 30 km/h. b) 
Vận tốc của dòng nước là :
(40 – 30 ) : 2 = 5 km/h.
Thời gian trôi của bè gỗ từ bến A đến bến B là :
24 : 5 = 4 giờ 48 phút.




Chỉ số EQ là gì ? 

EQ là viết tắt của cụm từ "Emotional Quotient" - chỉ số cảm xúc. Những người có công trong nghiên cứu và đưa ra chỉ số EQ là hai nhà tâm lý học người Mỹ: Peter Salovey  và John Mayer vào năm 1996. Nhưng trước đó một năm (1995), trong cuốn sách của mình (với đề tựa Emotional intelligence), nhà tâm lý học Daniel Goleman đã đề cập đến chỉ số cảm xúc, còn gọi là “sự thông minh của tâm hồn” hoặc “thông minh trong cảm xúc”. 

EQ là khả năng nhận thức, hiểu và truyền đạt cảm xúc. EQ cao giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp, hòa đồng với bạn bè và các kỹ năng xã hội khác như ứng xử, lãnh đạo nhóm …EQ là nền tảng cho sự thành đạt của bé sau này.

Chỉ số cảm xúc gồm 4 cấp độ:

1.    Nhận biết cảm xúc: Trẻ có thể nhận biết đúng cảm xúc của bản thân mình và cảm xúc của những người xung quanh.

1.    Hiểu được cảm xúc: Trẻ có khả năng hiểu và thấu cảm được các loại cảm xúc, đồng thời biết nguyên nhân và hậu quả của các loại cảm xúc ấy.

1.    Tạo ra cảm xúc: Trẻ có khả năng diễn tả và đáp lại các cảm xúc của người khác. Thông qua đó, trẻ biết lắng nghe, thông cảm và chia sẻ với người khác.

1.    Quản lý cảm xúc: Trẻ có khả năng tự quản lý được cảm xúc của mình, cư xử hợp lý để dễ dàng hòa đồng với tập thể.

Tầm quan trọng của EQ đối với việc giáo dục con cái

Chỉ số EQ cao sẽ giúp trẻ phát triển tốt khả năng giao tiếp, diễn đạt, hòa đồng với bạn bè, giúp trẻ thích ứng nhanh với cuộc sống. Điều này sẽ tạo cho trẻ một nền tảng tốt về nhân cách cũng như những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống để giúp trẻ có thể thành công vững chắc trong tương lai.

EQ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển của con bạn. Ví dụ, với trẻ có chỉ số EQ thấp, cháu sẽ thiếu bạn bè, sống thu mình, khó hòa nhập, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc học kém. Trong tương lai, những trẻ EQ thấp cũng khó tạo ra các mối quan hệ tốt để phát triển sự nghiệp. Tình trạng thiếu xúc cảm còn có thể dẫn đến những chuyện tồi tệ hơn, chẳng hạn như phạm tội. Các vụ hành hạ người khác hay giết người hàng loạt là dẫn chứng của sự vô cảm.

Tình trạng không thấu cảm này cũng gặp ở nhiều đứa trẻ có hòan cảnh bất hạnh như mồ côi, gia đình đổ vỡ, bị bỏ rơi...

Làm thế nào để tăng chỉ số EQ cho con?

“Chỉ số EQ có thể thay đổi và phụ thuộc vào nhiều yếu tố giáo dục. Nói cách khác, bố mẹ với nỗ lực và ý thức của mình có thể nâng chỉ số EQ của con cao hơn”.



Trước hết, hãy để bé cảm nhận được tình yêu thương của bạn bằng những cử chỉ, lời nói. Thực tế cho thấy những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình hạnh phúc sẽ phát triển nhân cách hòan thiện hơn, có thái độ tích cực hơn trước cuộc đời. Bên cạnh đó, cha mẹ cần hình thành cho trẻ thói quen biết quan tâm, chia sẻ với những người trong gia đình, bạn bè…

Các kỹ năng này sẽ giúp bé hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng. Cha mẹ không nên chiều theo những đòi hỏi vô lý của bé để tập cho bé biết hạn chế và điều khiển cảm xúc của mình. Đồng thời con bạn cũng cần một tinh thần lạc quan để có thể vượt qua những tình huống khó khăn trong cuộc sống.

Cha mẹ có thể giải thích cho bé hiểu sự liên quan giữa những hành vi của bé với cảm xúc của những người xung quanh. Ví dụ, khi bé giành đồ chơi của bạn: “Thử tưởng tượng con là bạn , khi bị giật món đồ chơi mình rất quý con cảm thấy thế nào?”. Đó cũng chính là cách bạn giúp bé hiểu được cảm xúc của người khác cũng như của chính mình... Những thói quen tốt, dù rất nhỏ song sẽ hình thành cho trẻ một nhân cách đẹp và tâm hồn nhạy cảm.

Nên giúp trẻ gọi tên cảm xúc của mình, xây dựng cho nó vốn từ vựng cảm xúc như buồn, vui, giận, lo sợ... Có thể cho trẻ xem nhiều bức ảnh diễn tả các trạng thái cảm xúc khác nhau và giải thích. Nếu trẻ thất vọng vì mất đồ chơi, đừng bảo nó là "không sao đâu, đừng khóc" mà hãy tận dụng cơ hội này dạy trẻ về các khái niệm về xúc cảm. Hãy hỏi bé có thích đồ chơi ấy không, tại sao, như vậy con bạn sẽ bộc lộ, miêu tả được cảm xúc dưới nhiều góc độ hơn.

Mặt khác, nên để trẻ quan sát cảm xúc của người xung quanh, chẳng hạn như "Hôm qua bà nội vui lắm, bà cười nhiều. Tại sao bà vui? Vì cu Tí biết nhường đồ chơi cho em...". Như vậy, trẻ không chỉ nhận biết cảm xúc của người khác mà còn hiểu nguồn gốc những cảm xúc đó, cũng như ảnh hưởng của cảm xúc đó đến mọi người. Từ đó, trẻ sẽ biết điều chỉnh cảm xúc, hành vi của mình - một khả năng rất cần thiết để thành công trong cuộc sống.



Với trẻ dưới 6 tuổi, cần hạn chế tối đa sự trừng phạt (nhưng phải chỉ ra lỗi) và hào phóng, thậm chí không giới hạn lời khen, miễn là khen có lý. Với trẻ nhỏ, đừng lạm dụng lời giáo huấn vì "Không phải lời giáo huấn, mà chính sự trải nghiệm sẽ có tác dụng với trí tuệ cảm xúc của trẻ".

Tùy từng trường hợp cụ thể, người làm cha mẹ sẽ biết nên nói với con như thế nào. Điều quan trọng là để dạy con về trí tuệ xúc cảm, bố mẹ không thể là người "vô cảm". Bạn phải cho trẻ được tắm mình vào môi trường cảm xúc, bạn nhất thiết phải dành thời gian cho con.



IQ là viết tắt của cụm từ "lntelligent Quotient” trong tiếng anh, có nghĩa là chỉ số thông minh. Là một khái niệm được đưa ra vào cuối thế kỷ 19 bởi nhà khoa học Francis Galton người Anh.

CHỈ SỐ IQ LÀ GÌ?

Chỉ số IQ là một tính trạng số lượng được dùng để định giá trị thông minh của một người. Người có chỉ số IQ cao có khả năng thao tác, xử lý và phân tích thông tin ở mức độ chuyên sâu và tốc độ nhanh hơn người bình thường.

Vậy làm thế nào để đo được chỉ số IQ?

Để đo chỉ số IQ, các chuyển gia tâm lý đẫ thiết kế ra bài Test IQ để kiểm tra khả năng lập luận logic của mỗi người
Lần đầu tiên, chỉ số IQ được sử dụng ở Pháp vào đầu thế kỷ 20 khi người ta muốn khắc phục những khó khăn của trẻ lúc bắt đầu đi học. Tiếp đó, bài kiểm tra trắc nghiệm IQ được coi là hoàn chỉnh nhất của chuyên gia Hans Aizenk. Bài trắc nghiệm trở nên vô cùng phổ biến tại châu Âu trong những năm 1950. Mọi người tính điểm IQ của mình cả ở văn phòng và những buổi tiệc.
Theo ông Hans Aizenk, muốn xác định IQ cần phải qua một bài kiểm tra IQ với các câu hỏi về suy luận logic, so sánh, số học, trí nhớ, kiến thức tổng quát, tính toán, xếp hình logic, sau đó so sánh tỉ lệ số điểm họ đạt được với số điểm trung bình của những nhóm tuổi khác nhau đạt được. IQ không phải là một số đo tuyệt đối, các nhà khoa học thời đó coi IQ là một tỉ lệ giữa tuổi trí lực và “tuổi thực tế” của con người. Nhưng sau đó phương pháp đo IQ được cải tiến theo ba độ lệch chuẩn 15, 16, 24 nhằm khắc phục những khuyết điểm của phương pháp cũ.
Việc xác định chỉ số IQ là nhằm chẩn đoán và chữa trị những chứng bệnh gây hạn chế đến khả năng học tập và xác định trình độ học vấn cũng như tuyển chọn nhân viên. Tuy nhiên, cũng không nên dựa vào những con số về IQ để đánh giá khả năng một con người, bởi bài kiểm tra IQ không có tính chất kiểm tra toàn diện.
Trong suốt cuộc đời của một con người, chỉ số IQ rất ít biến đổi và không phải lúc nào cũng có xu hướng tăng lên. Người ta nhận thấy rằng chỉ số IQ sẽ ổn định nhất ở độ tuổi từ 16 trở đi và có thể tăng chậm cho đến khi 30 tuổi, sau đó sẽ giảm dần. Vậy độ tuổi mà chỉ số IQ phát triển cao nhất của một người là vào khoảng từ 20-30 tuổi.
Một cá nhân có thể cố gắng hoàn chỉnh sự học hỏi để gia tăng IQ. Một thí dụ điển hình là người Nhật đang cố gắng rèn luyện cho trẻ con gia tăng trí óc bằng các giáo trình đặc biệt kết hợp bồi bổ dinh dưỡng. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, hiệu quả chỉ rõ rệt khi một người còn đang trong độ tuổi phát triển (dưới 16 tuổi). Với một người trưởng thành, chỉ số IQ đã ổn định, việc luyện tập và rèn luyện não bộ có giúp cho chỉ số IQ được gia tăng nhưng không nhiều.

Ảnh hưởng của IQ đến đời sống con người?

Hiệu quả thực tế của chỉ số thông minh IQ được kiểm chứng bằng cách kiểm soát “độ liên quan giữa IQ và thực tế cuộc sống” với thước đo chuẩn là 1 cho thấy học vấn và IQ có độ liên quan là 0,5. Hiệu suất làm việc và IQ là 0,54. Như vậy một người có IQ cao chưa chắc đã học siêu giỏi hoặc làm việc có hiệu suất cao.
Tiếp đó, chỉ số liên quan giữa tổng số năm học tập và IQ là 0.55;
IQ và điều kiện kinh tế xã hội của cha mẹ là 0,33. Con số này cho thấy môi trường xung quanh, điều kiện sống cũng có tác động đến việc tăng giảm chỉ số IQ.
Mối liên quan IQ của vợ và chồng là 0,4, theo đó, nếu hai bên có sự hiểu biết tương đồng hay có những suy luận logic ngang nhau sẽ có sự ăn ý, hoà hợp.
Bên cạnh đó. các nhà khoa học cho rằng người có IQ cao thường khoẻ khoắn và yêu đời hơn những người có IQ thấp hơn. Điều này được lý giải bởi họ có khả năng tránh né những rủi ro, biết bảo vệ sức khoẻ và có đời sống kinh tế khá, biết cách chống lại những cảm xúc tiêu cực của cuộc sống như chán nản, buồn bả, trầm cảm, tuyệt vọng.
Đặc biệt thú vị là chiều cao của bố mẹ và đứa trẻ liên quan đến IQ là 0,47, trong khi đó, cha mẹ siêu thông minh lại có khuynh hướng sinh ra con cái ít thông minh hơn và các bậc cha mẹ “thường thường” lại có thể sinh con thông minh hơn. Đây là định luật hướng về trung bình mà người ta vẫn thường nhắc đến trong di truyền học.
Một điều đặc biệt khác là người có IQ cao lại có trí nhớ “tồi" trong khi người có trí thông minh tương đối thấp thường có trí nhớ dai. Do đó, chúng ta mới có các nhân vật bác học đãng trí.
Thành công không chịu ảnh hưởng của trí thông minh mà nó liên quan đến phong cách cá nhân sử dụng trí thông minh của mình như thế nào để mang lại kết quả tốt. Đó là kết luận của các nhà khoa học khi nói về sự ảnh hưởng của IQ đến cuộc sống con người.
Thống kê ở Anh và Mỹ cho thấy có đến 35% thành công trong cuộc đời là nhờ chỉ số IQ; 75% còn lại là nhờ các chỉ số khác.
Một điếu thú vị từ kết quả trắc nghiệm IQ của các nhà khoa học, chỉ số IQ cao nhất toàn cầu không chỉ ở các nước giàu có, phát triển châu Âu, châu Mỹ mà lại ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Việt Nam, Thái Lan... Tại những nước này, chỉ số IQ trung bình là 105 đơn vị. Đứng vị trí thứ hai là các nước châu Âu, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand có chỉ số IQ trung bình là 100, Nam Á, Bắc Phi và đa phần các nước châu Mỹ Latinh có chỉ số IQ trung bình là 85. Còn châu Phi nói chung và các nước vùng biển Caribe có chỉ số IQ trung bình dưới 70.



 I. Khái niệm tư duy
Tư duy là quá trình tâm lý phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ và quan hệ bên trong có tính quy luật của sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan mà trước đó ta chưa biết.
Tư duy thuộc về giai đoạn nhận thức lý tính, là một bộ phận quan trọng của quá trình tâm lý.

II.Quá trình tư duy.
Tư duy là một quá trình bao gồm nhiều giai đoạn:
                                 
1) Xác định vấn đề và biểu đạt vấn đề
- Tư duy chỉ nảy sinh khi con người nhận thức được tình huống. Tình huống là điều kiện quan trọng của tư duy. Song, không phải tình huống nào cũng nảy sinh tư duy. Chỉ có những tình huống mà con người nhận thức rằng “có vấn đề” và cần phải giải quyết nó đễ thỏa mãn nhu cầu thì trong tình huống đó tư duy mới nảy sinh.
Ví dụ: một bài toán nhân sẽ là vấn đề đối với một học sinh lớp hai nhưng không phải là vấn đề đối với một sinh viên đại học.
- Mỗi người sẽ nhìn nhận vấn đề một cách khác nhau tùy thuộc vào kiến thức, kinh nghiệm và nhu cầu cá nhân. Một người càng có nhiều kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó càng dễ dàng nhìn ra một cách đầy đủ các mâu thuẫn.
- Và nhu cầu của mỗi người cũng rất quan trọng. Nếu người nào có nhu cầu cao trong vấn đề đó thì sẽ nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn những người có nhu cầu cơ bản.
Ví dụ: Nhà quản lý có kiến thức cao, từng làm việc nhiều năm có nhiều kinh nghiệm và có nhu cầu giải quyết vấn đề cao thì sẽ nhìn nhận vấn đề sâu sắc và toàn diện hơn nhà quản lý có kiến thức thấp mới đi làm và không có mong muốn giải quyết vấn đề.
- Trong giai đoạn này cần chú ý tránh xác định chệch hướng vấn đề. Nếu xác định sai sẽ ảnh hưởng đến những bước sau và có thể không tìm ra phương pháp giải quyết.
- Đây là giai đoạn đầu tiên và quan trọng của quá trình tư duy.

2)  Huy động các tri thức, kinh nghiệm
Chủ thể tư duy huy động các tri thức, kinh nghiệm liên quan đến vấn đề cần giải quyết từ đó xuất hiện các liên tưởng. Sau khi xác định vấn đề chủ thể tư duy bắt tay vào việc tìm kiếm tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau và tập hợp những kinh nghiệm của bản thân hoặc kinh nghiệm học hỏi từ người đi trước có liên quan đến vấn đề, từ đó liên tưởng trong đầu những nội dung có liên quan đến vấn đề.

3) Sàng lọc các liên tưởng và hình thành giả thuyết
- Các tri thức kinh nghiệm thoạt đầu mang tính chất rộng rãi, bao trùm nên cần được sàng lọc cho phù hợp với nhiệm vụ. Chủ thể tư duy tìm kiếm thông tin từ nhiều phía nên lượng thông tin thu được rất lớn nhưng không phải thông tin nào cũng chính xác, cần phải lựa chọn những thông tin phù hợp và đáng tin cậy đễ đưa vào giải quyết vấn đề.
Ví du: sau khi thu thập thông tin về một vấn đề tâm lý nào đó thông qua những tờ trắc nghiệm người ta không dùng thông tin của tất cả các phiếu mà chỉ dùng những phiếu có nội dung chân thực đễ sử dụng.
- Từ cơ sở dữ liệu vừa thu được hình thành một số phương án có thể có đễ giải quyết nhiệm vụ nhanh chóng và tiết kiệm thời gian.

4) Kiểm tra giả thuyết
- Nên trải qua một quá trình kiểm tra trước khi thực hiện các phương án. Cần kiểm tra xem phương án nào tương ứng với điều kiện và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất. Nếu:
• Phương án được khẳng định thì sẽ đi đến giải quyết vấn đề bằng phương án đó.
• Phương án bị phủ dịnh thì hình thành một quá trình tư duy mới tìm ra phương án mới phù hợp hơn đễ giải quyết vấn đề.
- Trong giai đoạn này sau khi kểm tra các phương án đôi khi chủ thể tư duy sẽ phát hiện ra một số nhiệm vụ mới cần giải quyết.

5) Giải quyết vấn đề
- Là khâu cuối cùng của quá trình tư duy.
- Khi giả thuyết đã được kiểm tra và khẳng định thì sẽ được thực hiện, nghĩa là đi đến câu trả lời cho vấn đề được đặt ra.
- Sau khi giải quyết vấn đề đôi khi một số vấn đề mới lại nảy sinh. Lúc đó, một quá trình tư duy mới lại bắt đầu.
- Trong quá trình giải quyết nhiệm vụ, con người thường gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Có 3 nguyên nhân thường gặp:
• Chủ thể không nhận thấy một số dữ kiện của bài toán (nhiệm vụ).
• Chủ thể đưa vào bài toán một điều kiện thừa.
• Tính chất cứng nhắc, khuôn sáo của tư duy.

Sơ đồ: các giai đoạn của một quá trình tư duy.


   Đây là sơ đồ logic của tư duy do nhà tâm lí học K.K. Platonop đã tóm tắt. Số lượng các giai đoạn có thể không cần đầy đủ trong những trường hợp nhất định, nhưng thứ tự các giai đoạn phải tuân thủ theo sơ đồ.
Ví dụ:
Sinh viên A cuối tháng hết tiền không có tiền ăn, tiền tiêu nhưng còn đến một tuần nữa mới đến hạn nhận tiền nhà gửi. Vấn đề đặt ra cho sinh viên này là làm sao sống qua một tuần nữa chờ đến ngày ở nhà gửi tiền vào. Và sinh viên A  bắt tay vào vệc tìm cách giải quyết vấn đề.
- Sau khi tham khảo ý kiến của các bạn và cộng thêm kinh nghiệm của bản thân qua những lần hết tiền trước đây sinh viên A đã tìm ra một số phương án giải quyết như sau:
• Vay tiền bạn bè sống tạm một tuần, sau khi nhận tiền sẽ gữi lại.
• Bảo gia đình gửi tiền sớm hơn
• Ăn chịu.
- Sinh viên A bắt tay vào việc kiểm tra xem phương án nào có thể thực hiện được.
• Đầu tiên là đi hỏi thăm các bạn vay tiền nhưng cuối tháng ai cũng hết tiền không thể vay được.
• Tiếp theo là hỏi cô chủ ăn chịu nhưng cô chủ quán không bán.
• Cuối cùng là điện về nhà nói với gia đình và gia đình đồng ý gửi sớm hơn, nhưng gửi ít hơn thường lệ.
- Và vấn đề của sinh viên này đã được giải quyết nhưng một vấn đề mới lại nảy sinh là với số tiền ít hơn sinh viên A phải chi tiêu thế nào đễ đủ cho tháng tiếp theo. Và một quá trính tư duy mới lại nảy sinh.

III. Kết luận
Trong quá trình tư duy cần chú ý:
- Cần kiên nhẫn,có thời gian nhìn nhận vấn đề để hiểu được bản chất của nó tránh bỏ qua một số dữ liệu quan trọng làm cho việc tư duy trở nên bế tắc.
Ví dụ: khi làm bài thi phải có thời gian đọc đề thật kĩ.
- Cần quyết đoán, xác định rỏ nhiệm vụ tránh tư duy chệch hướng vấn đề.
Ví Dụ: khi làm việc nhóm cần thống nhất ý kiến tránh phân vân nhiều ý kiến
- Tránh làm phức tạp hóa vấn đề dẫn đến khó khăn trong tư duy.
Ví dụ: chỉ tìm đọc những tài liệu cần thiết cho bài làm tránh đọc nhiều sách đâm ra lan man.
- Tránh lối tư duy khuôn sáo, cứng nhắc.
Ví Dụ: nhà quản lý không nên áp dụng phương pháp quản lý của môi trường này cho môi trường khác.

Tư duy trong cuộc sống:
- Khi gặp một vấn đề trong cuộc sống không nên bi quan, bế tắc, cần bình tĩnh tìm cách tư duy giải quyết vấn đề.
- Khi tư duy giải quyết vấn đề cần tư duy tích cực tránh lối tư duy lệch lạc tiêu cực.
- Trong hoạt động giáo dục và quản lý cần khuyến khích lối tư duy đột phá đễ tìm ra thành công mới.
- Học sinh, sinh viên cần tập lối tư duy logic, phát triển khả năng tư duy đễ học tập hiệu quả và nhanh chóng.
- Học sinh sinh viên cần năng nổ hoạt động để có nhiều trải nghiệm giúp cho tư duy trong học tập và trong cuộc sống tốt hơn.

CLB TOÁN QUỐC TẾ

CHIA SẺ VÀ HỌC HỎI {facebook#http://facebook.com/toantuduyquocte}

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.